CHIA SẺ

Friday, August 2, 2019

PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH GÂY HẠI TRÊN CÂY HUỲNH LIÊN

Cây Hùynh Liên là một trong những loại Cây Cảnh đẹp, ưa nắng được ưa chuộng trồng ở nhiều nơi. Cây Huỳnh Liên dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, cũng giống như những loại Cây Cảnh khác cây có thể bị nhiễm một số loại sâu bệnh. Người trồng cần chú ý phòng trừ sâu bệnh hại cây.


Phòng trừ sâu bệnh gậy hại trên Cây Huỳnh Liên

Sâu Xanh Ăn Lá

Sâu thường ẩn nấp ở mặt dưới của lá, những chỗ lá mọc nhiều, ăn các chồi non và các mép lá non, đục vào hoa và ăn bên trong,.. làm cây suy còi, phục hồi chậm, cây sau tết vừa ra hoa sức yếu nên rất dễ bị sâu tấn công.

Biện pháp phòng trừ: Nếu số lượng cây ít Bạn có thể bắt sâu, hoặc có thể phun các loại thuốc sau Pegasus 500SC nồng độ 0,07-0,1%, Ancol 20EC 0,1-0,15%, để diệt sâu.

Bọ Trĩ

Đây là loài sâu hại khó quan sát bằng mắt thường do chúng có kích thước bé, Bọ Trĩ thường núp dưới mặt lá, gốc cây, hút chích mật hoa, nhựa thân cây làm lá và hoa giảm sắc tố dẫn đến cây bị mất sức.


Sâu Xanh Ăn Lá hại Cây Huỳnh Liên

Biện pháp phòng trừ: Bạn có thể tưới nước ở dưới lá để rửa trôi, hoặc phun các loại thuốc Carbamec, Promecarb hoặc Cabosulfan 0,05-0,1% để có hiệu quả cao.

Rệp Sáp

Rệp gây hại nặng trên một số Cây Hoa Kiểng. Loại Rệp này sống bám ở bề mặt trên của lá, đặc biệt là lá non, trên đài, nụ hoa và ngọn cây. Rệp chích hút dịch làm cho cây bị mất dinh dưỡng, do đó trở nên còi cọc, ngọn quăn queo, lá biến dạng.

Biện pháp: Tưới nước là biện pháp có thể đẩy lùi một phần Rệp Sáp gây hại, nhưng trong trường hợp nhiều hoặc muốn giải quyết nhanh thì dùng các loại thuốc Supracide 40ND, nồng độ phun 0,1-0,15% Bassa 0,1-0,15%, Karate 2,5EC 0,5-0,1%, Ofatox 400 EC 0,1-0,15%…

Bệnh Đốm Lá

Trên lá cây xuất hiện những đốm nhỏ, màu sắc, hình dáng hay độ lớn của chúng không giống nhau, phiến lá bị quăn lại, có đốm màu nâu, đen, tím…lá bị khô héo và rụng khiến cây mất khả năng quang hợp và chết.

Phòng trừ bằng cách ngắt bỏ những lá bị sâu bệnh và đem đốt, phun thuốc định kì theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chuyên gia. Có thể dùng đồng sunphat, một phần vôi sống và lượng nước gấp 100 lần pha thành dung dịch thuốc để phun cho cây. Lưu ý không dùng các dụng cụ kim loại trong quá trình pha chế, phun thuốc đều cả mặt trước và sau lá cây cũng như thân, cành cây.

Bệnh Phấn Trắng

Trên mặt lá, cành hay thân cây có xuất hiện những lớp phấn dày màu trắng bông khiến cho lá bị rụng, thân khô héo


Bệnh Phấn Trắng

Cách trị cũng khá đơn giản, nên ngắt bỏ lá, cành bị bệnh đem đốt, đồng thời phun dung dịch tổng hợp (lưu huỳnh nồng độ 0,3 – 0,5 với một phần vôi trong pha với 10 phần nước rồi đem đun lên).

Bệnh Xoắn Lá

Triệu chứng của bệnh là một phần hay toàn bộ lá bị dày lên, lá chuyển màu từ xanh xám sang đỏ tím. Trên mặt lá xuất hiện bột trắng, sau chuyển thành nâu. Lá bị xoăn lại, khô và rụng, cành bị héo dẫn đến chết cây.

Trị bệnh này bằng cách phun dung dịch lưu huỳnh vôi 3 – 5- be vào đầu mùa xuân khi cây có sức sống tốt nhất. Phun liên tục 2 đến 3 lần cách nhau một tuần đến 10 ngày, ngắt bỏ lá, cành bị bệnh đem đốt bỏ.